Trọn vẹn bài thuyết minh mẫu về Hội quán Phúc Kiến tại Hội An

Trọn vẹn bài thuyết minh mẫu về Hội quán Phúc Kiến tại Hội An
Hội An là đô thị cổ nổi tiếng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan và tìm hiểu. Ngoài những chuyến đi tự túc, phần lớn du khách đến Hội An với mục đích tìm hiểu lịch sử nguồn cội thường có nhu cầu nghe thuyết minh tại điểm. Hội An có rất nhiều các điểm di tích nổi tiếng, trong đó nổi bật là Hội quán Phúc kiến với nhiều điển tích và điển cố.


Kết quả hình ảnh cho hội quán phúc kiến

Để giúp các Hướng dẫn viên có thêm thông tin, cũng như giúp các bạn thuyết minh một cách trôi chảy, tự nhiên và chi tiết, rõ ràng nhất; Bienhoian.com xin gửi đến bạn trọn vẹn bài thuyết minh mẫu về Hội quán Phúc Kiến tại Hội An để bạn tham khảo:

Kết quả hình ảnh cho hội quán phúc kiến

Chào mừng quý khách đến thăm phố cổ Hội An!

Hội An là một thị xã nhỏ bé nằm trên đất Quảng Nam, là nơi chứng kiến hai cuộc giao thoa văn hóa lớn trong lịch sử Việt. Lần thứ nhất là cách đây hơn 5 thế kỷ, khi nước Đại Việt tiến về phương nam mở mang bờ cõi, và lần thứ hai là cách đây 2 thế kỷ, khi người Phương Tây theo các chiến thuyền và thương thuyền đặt chân lên mảnh đất này với ý đồ truyền bá và thôn tính. Cả hai sự kiện đó đều kéo theo tương tác văn hoá lớn lao và nền văn hóa Việt đã vượt qua thử thách đồng hóa để tự cải biến và tồn tại cùng thời cuộc.

Kết quả hình ảnh cho phố cổ hội an lãng mạn nhất

Bên cạnh đó Hội An còn là một cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á vào thế kỷ 15 và 16, vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo, là phố cổ duy nhất ở Việt Nam còn giữ được tương ứng nguyên trạng với lối kiến trúc nhà ở truyền thống có niên đại cách đây từ 2 đến 3 trăm năm, xen vào những ngôi nhà ở là những công trình kiến trúc tôn giáo cũng như đền miếu, hội quán… Là nơi có môi trường sinh thái nhân văn rất độc đáo. Bao xung quanh đó là các làng nghề và những cảnh sinh hoạt trên sông nước. Đây cũng là di tích của ba cộng đồng người cùng sinh sống là người Việt, Trung Hoa và Nhật Bản. Chính những điều này mà Hội An được UNESCO công nhận di sản văn hóa vào tháng 12 năm 1999.

Hình ảnh có liên quan

Kính thưa quí khách, hôm nay chúng ta sẽ tham quan Hội Quán Phúc Kiến – Một công trình kiến trúc độc đáo theo kiểu Trung Hoa tại Hội An.

Hình ảnh có liên quan

Kính thưa quí khách, hiện nay chúng ta đang đứng trước cổng chính của Hội quán Phúc Kiến trên đường Trần Phú.

Kết quả hình ảnh cho hội quán phúc kiến

Sử Trung Hoa kể rằng, vào thế kỷ XVII, năm 1649, ở Trung Quốc, nhà Thanh diệt nhà Minh, lập ra triều Mãn Thanh. Các tướng lĩnh triều Minh không thuần phục, nổi dậy phản Thanh phục Minh và đã bị thất bại. Nhiều người trong số họ đã đưa gia đình lên tàu vượt biển xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có Hội An. Họ đã xin Chúa Nguyễn cho phép định cư ở Hội An, và thành lập ở đây làng Minh Hương, đó là những người đến từ 5 bang chính: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Haka hay còn gọi là Hẹ. Vì người Hoa cũng như người Việt, họ sống mang tính cộng đồng rất cao, để có thể đoàn kết cùng nhau buôn bán, tương trợ lẫn nhau khi hoạn nạn, mỗi bang đã lập nên cho mình một hội quán. Hội quán Phúc Kiến nổi tiếng bởi vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, uy nghiêm trong một không gian rộng lớn, kiến trúc đặc sắc kiểu Trung Hoa càng toát lên nét linh thiêng của nó.

Hình ảnh có liên quan

Hội quán Phúc Kiến là nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái, các vị tổ tiên; là nơi họp đồng hương và giúp đỡ lẫn nhau của người Phúc Kiến, những người đến Hội An sớm nhất và đông nhất. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu tại Hội An được xây dựng vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp của Hoa Kiều bang Hội Quán Phúc Kiến càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An.

Hình ảnh có liên quan

Trước kia nó được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ nhưng đến năm 1757 Hội Quán này được xây dựng lại bằng gạch và mái ngói như quí khách đang thấy. So với các Hội Quán khác ở Hội An như Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam…Phúc Kiến có không gian rộng và sâu nhất, có lối kiến trúc xưa với kiểu “Nội công ngoại quốc”, và bộ vì kèo tiền điện theo kiểu “Chồng rường giả thủ”, cùng với nhiều bức chạm lộng, chạm nổi hoa lá, điểu thú rất sinh động. Hội quán được công nhận là di tích loại 1 vào ngày 19/3/1985. Tôi sẽ giới thiệu cho quí khách được rõ hơn khi chúng ta vào bên trong để tham quan.

Hình ảnh có liên quan

Bây giờ xin mời quí khách hãy theo tôi vào tham quan Hội Quán.

Kính thưa quí khách bây giờ chúng ta đang đứng trước cổng tam quan, một công trình không thể thiếu trong lối kiến trúc đình, chùa truyền thống. Công trình này được trùng tu vào năm 1975, toàn bộ công trình được khảm bằng sành sứ, phía trên được lợp ngói âm dương với mái cong vút. Lợp ngói âm dương, thực ra là kiểu lợp ngói của người xưa bao gồm ngói dương và ngói âm. Ngói dương giống như hình cái ống tách đôi, một đầu có chuôi thu nhỏ để luồn vào bên trong viên ngói khác khi lợp nên thường gọi là ngói ống, mặt hướng ra ngoài được phủ men xanh hoặc vàng. Viên dưới cùng dùng để khóa bộ mái, được đúc thêm một cái nắp hình tròn, thường được trang trí hoa văn chữ thọ tròn, theo lối triện, gọi là câu đầu. Ngói âm có hình chữ nhật uốn cong, trong lòng phủ men một mặt. Khi lợp tráng men hướng lên phía trên, cứ hai viên ngói âm thì có một viên ngói dương phủ lên hoặc ngược lại, cứ hai viên ngói dương thì có một viên ngói âm phủ lên. Viên ngói âm dưới cùng của bộ mái có gắn với một cái yếm, thường trang trí mắt hổ phù, gọi là trích thủy, liên kết với hai viên ngói câu đầu, cùng có chức năng trang trí diền mái và dùng để định hướng giọt nước mưa. Quí khách hãy nhìn các đầu đao, chúng được bài trí hình con rồng đang uốn lượn, đây là biểu tượng của uy quyền. Trên nóc có tích lưỡng long chầu bình hồ lô, bình này tích sinh khí của trời và đất để làm tăng sức mạnh cho con người. Nhìn lên ở giữa cổng tam quan là 4 chữ hán màu đỏ “Hội Quán Phúc Kiến”. Còn 3 chữ trên đó là Kim Sơn Tự bởi vì trước kia Hội quán này còn có tên gọi là Kim Sơn Tự. Hai vòng tròn hai bên là thờ ông Nhật và bà Nguyệt – Tượng trưng cho trời và đất, là sự hài hòa âm dương trong vũ trụ.

Hình ảnh có liên quan

Có 3 lối đi vào theo kiểu “nam tả, nữ hữu”, 3 lối đi còn có ý nghĩa là “Thiên, Địa, Nhân” cánh cửa ở giữa rất ít khi được mở ra, nó chỉ được mở vào những ngày lễ lớn, ma chay, cưới hỏi…Bởi vì theo quan niệm người xưa, nếu cổng chính giữa mở ra thì những sinh khí xấu sẽ đi vào bên trong.

Phía trước quí khách là hòn nam bộ với hình tượng cá chép hóa rồng hay còn gọi là cá chép vượt vũ môn. Người Trung hoa có truyền thuyết về cá chép hóa rồng hay cá chép vượt vũ môn như thế này: Một năm, trời hạn hán vì số Rồng quá ít, không đủ làm mưa điều hòa cho khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kỳ thi kén các vật lên làm Rồng gọi là thi rồng. Khi chiếu trời ban xuống, vua Thủy Tề loan báo cho các cư dân dưới nước tham gia vào cuộc thi. Cuộc thi có ba kỳ, mỗi kỳ vượt qua một đợt sóng. Con vật nào đủ sức đủ tài vượt được cả ba đợt thì mới được hóa Rồng.

Hình ảnh có liên quan

Trong một tháng trời, đại diện của bao nhiêu loài thủy tộc đến thi đều bị loại vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng. Sau đó cá Rô nhảy được một đợt nhưng đã bị rơi ngay. Rồi đến Tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi đã gần hóa Rồng, nhưng đến lượt thứ ba thì đuối sức ngã bổ xuống nên lưng đã còng lại. Đến lượt con cá chép vào thi thì gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Cá chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng và lọt vào cửa Vũ Môn. Cá Chép đã hóa thành rồng phun nước làm gió táp, mưa sa, muôn loài sung sướng, sự sống đã hồi sinh.

Vì vậy ở Trung Quốc, cá Chép thường xuất hiện ở các câu chúc tết như “Niên niên hữu dư” nghĩa là hi vọng năm nào cũng dư thừa ấm no. Cá chép còn là biểu tượng của sự kiên trì và bền chí.

Kính thưa quí khách, ở giữa này là phiên bản Vạn Lý Trường Thành. Còn phía bên kia là hình tích của bốn con vật linh thiêng Long, Lân, Quy, Phụng. Bên tay phải tôi là con Rồng, đối với các nước phương Đông, con rồng là kiệt tác sáng tạo có lịch sử lâu đời. Nó có hình dạng kỳ lạ, đầu giống như đầu đà, sừng giống như sừng nai, cổ giống như cổ rắn, bụng giống như bụng con giao, mắt giống như mắt thỏ, tai giống như tai bò, chân giống như chân cọp, móng giống như móng chim ưng, vảy rồng giống như vảy cá ly. Rồng là biểu tượng của uy quyền. Tiếp đến là con Lân, nó cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng, nó có hình như con hươu nhưng lại lớn hơn, mình có vảy, đuôi giống đuôi trâu, chân giống chân ngựa, miệng rộng, mũi to, đầu có 1 sừng, lông trên lưng có 5 màu, lông dưới bụng chỉ có màu vàng, tính rất hiền lành, không đạp lên cỏ tươi, không làm hại các sinh vật khác, nên được gọi là Nhân thú, nghĩa là con thú có lòng nhân từ; nó biểu hiện cho sự may mắn. Đây là con rùa, nó tượng trưng cho sự tồn tại và bất diệt. Cuối cùng là hình con chim Phượng, đây là linh vật được biểu hiện cho tầng trên, Phượng thường có mỏ vẹt, chân chim, cổ ngắn.

Kết quả hình ảnh cho hội quán phúc kiến

Bốn con vật này đều rất linh thiêng, mỗi khi có 1 trong 4 con xuất hiện thì nơi ấy ắt có điều lành xảy đến, hoặc có thánh nhân ra đời.

Quí khách có thấy 2 Lân bằng tượng đá ở đây không? Chúng như là người canh giữ cho Hội Quán.

Bước qua cổng tam quan này chúng ta sẽ tham quan các công trình kiến trúc chính của Hội quán như: Tiên đình, chính điện, hậu tẩm….

Hình ảnh có liên quan

Kính thưa quí khách, chúng ta đang đứng trong tiền đình. Ở đây có một bộ bàn đá. Nó được dùng làm nơi hội họp, bàn bạc làm ăn của các thương dân Phúc Kiến xưa kia. Quí khách có để ý những vòng hương đang được treo đây không? Đây là một nét nổi bật của Hội quán Phúc Kiến. Tương truyền rằng, Hội Quán Phúc Kiến hay còn gọi là chùa Phúc Kiến rất linh thiêng nên khách hành hương thường hay đến đây và thắp những vòng hương lớn này để cầu chúc sức khoẻ, tài lộc, cho gia đình, bạn bè và cho bản thân. Những vòng hương này được bán ngay tại Hội Quán, nhưng không được phép mang ra ngoài mà phải thắp ngay tại đây. Mỗi vòng hương như vậy cháy trong khoảng 30 ngày. Nếu như có vòng hương nào tắt trước khi cháy hết thì những người trong Hội Quán sẽ thắp lại. Trên các khoanh nhang người cúng thường hay viết một tờ giấy có ghi họ tên đầy đủ của cả gia đình, địa chỉ… để mong muốn được bà phù hộ độ trì cho công ăn việc làm được thuận buồm xuôi gió. Và khi vòng hương cháy hết thì người trong Hội Quán sẽ lấy những mảnh giấy này đốt thành tro. Như vậy lời ước mới linh thiêng.

Hình ảnh có liên quan

Xin mời quí khách nhìn về phía bên tay phải mình, đó là bức tranh bà Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng với người hầu của bà và một chiếc thuyền gặp nạn. Chúng ta sẽ tìm hiểu nó kĩ hơn khi chúng ta vào bên trong chính điện.

Hình ảnh có liên quan

Còn phía bên này là bức tranh miêu tả 6 vị lục Tướng Vương Gia, 6 vị này được thờ ở trong gian hậu tẩm mà chút nữa chúng ta sẽ vào tham quan.

Bây giờ, tôi để cho quí khách một vài phút để chụp hình, sau đó chúng ta sẽ vào tham quan chính điện.

Kết quả hình ảnh cho hội quán phúc kiến

Kính thưa quí khách, hiện nay chúng ta đang đứng trước bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và bà Thiên Hậu Thánh Mẫu – Nữ thần biển “Thiên Hậu Thánh Mẫu”. Người đã giúp họ tránh hoạn nạn, giông bão trên bước đường phiêu bạt. Bà là vị thần được đặc biệt coi trọng không những ở nơi đây mà ở tất cả các miếu của người Hoa ở Hội An và những nơi mà người Hoa sinh sống. Vì ngày xưa trên bước đường lưu lạc tứ xứ, người Hoa thường đi bằng tàu thuyền mà theo tương truyền thì bà thiên Hậu là người họ Lâm ở tỉnh Phúc Kiến, lúc nhỏ bà là một đứa bé bị câm. Năm lên tám tuổi bà được một ông tiên cho theo học đạo và đến năm 16 tuổi Bà được ông tiên ban cho phép thần thông hô mưa, gọi gió. Và ông ban cho Bà với điều kiện chỉ làm những việc thiện. Bà được gọi là nữ thần của biển cả, hay nữ thần phù hộ cứu giúp những người đi biển. Người Hoa những khi có việc cầu xin bà phù hộ thường mang lễ vật đến làm lễ dâng hương. Sau đó họ thường cúng cho bà những Khoanh Nhang Đại và họ cũng cúng cho hội quán dầu hỏa để thắp đèn trên bàn thờ của Bà. Những Khoanh Nhang này lớn lắm, có thể cháy đến một năm mới hết. Người trông coi hội quán sẽ lấy lần lượt các khoanh đốt dần, cái nào hết thì treo cái khác lên. Trên các khoanh nhang người ta cũng thường hay viết một tờ giấy có ghi họ tên đầy đủ của cả gia đình, địa chỉ… để mong muốn được bà phù hộ độ trì cho công việc được làm ăn thuận buồm xuôi gió. Hàng năm vào ngày 26 tháng 2 người Trung Hoa nói chung, và người phúc kiến nói riêng tổ chức lễ vía của bà. Tại đây diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.

Hình ảnh có liên quan

Bên phải thờ thần Thiên Lý Nhãn tức là vị thần có tài nhìn xa vạn dặm, và bên phải thờ thần Thuận Phong Nhĩ là vị thần có tài nghe xa nghìn dặm họ là 2 vị thần phụ tá cho bà Thiên Mậu Thánh Mẫu phát hiện những người gặp nạn trên biển để bà cứu giúp.

Bên trái chính diện, người ta trưng bày mô hình chiếc thuyền của các thương nhân gặp nạn dùng để đi biển trước đây có niên đại từ năm 1875 với nhiều chi tiết cụ thể. Điều đáng chú ý nhất trên chiếc thuyền là đôi mắt. Người Hội An quan niệm rằng, con người, con vật đều có mắt để nhìn đời và nhìn vào lòng mình thì các đồ vật gắn với vận mạng của con người cũng phải có mắt. Chính vì thế, chiếc thuyền này được vẽ 2 con mắt hai bên, to và rõ để nhìn thấy những tai ương trên biển khơi.

Kết quả hình ảnh cho hội quán phúc kiến

Bây giờ mời quí khách chúng ta cùng tham quan Hậu tẩm. Mời quí khách nhìn bàn thờ ở giữa, đây là nơi thờ của 6 vị Lục Tánh Vương Gia, 6 vị này gồm Khâm Vương, Trương Vương, Thuấn Vương, Chu Vương, Hoàng Vương và Thập Tam Vương. 6 vị tướng người Phúc Kiến này dẫn đầu trong phong trào phản Thanh phục Minh, nhưng thất bại nên đã đưa con cháu mình theo đường biển đến Hội An. Hằng năm ở đây có tổ chức ngày giỗ tổ cho 6 vị này vào ngày 16/2 âm lịch, nhưng trước đó một ngày, nhiều người đã đến dâng hương. Hội quán cũng cúng chay, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người người khỏe mạnh.

Kết quả hình ảnh cho hội quán phúc kiến

Bàn thờ bên phải là nơi thờ tượng lớn của Bà Chúa Sinh Thai, Bà là người nặn ra hình hài đứa trẻ. Hai Bà phía dưới là một Bà khai sinh và một Bà khai tử. Ở dưới thấp là 12 Bà Mụ, mỗi Bà có nhiệm vụ chăm sóc đứa trẻ mỗi tháng trong 12 tháng đầu tiên. Vì thế khi đứa trẻ chưa đầy một năm tuổi, khi chúng cười hay nói gì đó, người ta cho là các Bà dạy, hoặc khi chúng bị té ngã nhưng không bị thương gì, người ta cho rằng có bà Mụ che chở. Chính vì vậy mà người ta thường hay tổ chức thôi nôi hay đầy tháng để tỏ lòng biết ơn các Bà Mụ. Ngày xưa, trong buổi lễ người ta thường hay chuẩn bị 12 miếng trầu, 12 miếng cau để dâng cúng 12 Bà Mụ và có riêng một lá trầu và một quả cau cho Bà Chúa Sinh Thai. Cũng chính vì sự linh thiêng này mà Hội Quán còn là nơi để cho những người hiếm muộn về đường con cái đến đây cầu tự.

Hình ảnh có liên quan

Còn phía bàn thờ bên trái là nơi thờ Thần Tài. Vị thần bên trái là Thần Tài Trắng hay còn gọi là Phúc Thần, là vị thần ban của cải, phước lộc. Vị thần bên phải là Thần Tài Đen hay còn gọi là Pháp Thần, là vị thần trừng phạt những người sử dụng tiền bạc không phù hợp với đạo lý. Đã có rất nhiều người đến đây để thắp hương cầu tài, cầu lộc và rút xăm đầu năm.

Bây giờ, chúng ta sẽ dừng lại ở đây trong một vài phút để quí khách chụp hình, sau đó chúng ta sẽ rời Hội Quán theo lối cửa hông của dãy nhà đông tây. Đó là nơi thờ các bài vị của những người thành lập nên Hội Quán này và những người quyên góp tiền của xây và trùng tu Hội quán.”

Kết quả hình ảnh cho hội quán phúc kiến

Trên đây là trọn vẹn bài thuyết minh mẫu về Hội quán Phúc Kiến tại Hội An theo lối dẫn cụ thể của một Hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết, hiểu và tự hào hơn về công trình lịch sử của Hội An nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung.
Xem thêm: Những điều cần biết về Bảo tàng gốm sứ Hội An

Bienhoian.com


(Ảnh và nội dung bài thuyết minh nguồn Internet)


Theo Trần Văn Phú


 

Bài liên quan