Nhà cổ Đức An - Phố cổ Hội An
Nhà cổ Đức An (địa chỉ - số 129 đường Trần Phú) đã qua 180 năm tuổi, với những nét cổ kính, trầm mặc vẫn đang hiện hữu trên từng đồ vật rất đỗi giản dị của gia chủ như chiếc đèn dầu, chiếc giá để bút... đến những bộ bàn ghế, bộ tranh tứ bình cũng đã ngót nghét trăm năm, du khách đến tham quan như cảm nhận rõ hơn cái sự "thắm thoắt thoi đưa" của thời gian.
Nhà cổ Đức An được xây dựng theo lối kiến trúc Việt, tận dụng tối đa ánh sáng tạo không gian thoáng đãng, sử dụng vật liệu chính là gỗ kiềng kiềng có sẵn ở vùng Quảng Nam với ưu điểm có thể chống chịu với thời tiết nóng ẩm ở mảnh đất miền Trung. Dù vòng quay thời gian cứ đều đặn chuyển động từ năm này qua năm khác, thì Nhà cổ Đức An vẫn còn đó như một “nhân chứng sống” của lịch sử, lưu giữ những giá trị văn hóa mà ông cha để lại.
Nhà cổ Đức An còn là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Tổ chức Hội Việt Nam, cách mạng thanh niên ở Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam, và gắn liền với người chiến sĩ cách mạng Cao Hồng Lãnh.
- Sau sự kiện chống thuế năm 1908, nhà cổ Đức An chuyển sang bán thuốc Bắc, hòa vào việc buôn bán tấp nập của cùng nhiều hiệu thuốc Bắc ở Hội An, song vẫn là điểm hẹn gặp gỡ của các chí sĩ yêu nước trong khu vực.
- Vào những năm 1925 - 1926, khi phong trào yêu nước và kháng Pháp đã chuyển hướng tiến bộ hơn, nhà cổ Đức An trở thành nơi gặp gỡ của những thanh niên và trí thức yêu nước. Những tác phẩm về dân chủ tư sản thế giới, các tác phẩm của Phan Châu Trinh về phong trào Duy Tân và các sách báo tiến bộ khác như: Báo Chuông Rè, Đông Pháp thời báo, Tân Thế Kỷ, Nhân Loại và đặc biệt là báo Việt Nam Hồn xuất bản tại Pháp cũng được cất giữ và lưu hành tại đây.
Hấp dẫn bởi không gian hoài cổ và những ý nghĩa lịch sử ấy mà mỗi ngày nhà cổ Đức An đều đón tiếp nhiều du khách đến thăm quan. Họ đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, tĩnh lặng của những mái ngói rêu phong; thưởng lãm cái thư thái trong từng nét kiến trúc Việt và để được sống với một thời dĩ vãng.